Planners Việt Nam học được gì trong năm 2021?
8 Planners. 8 Agencies. Hơn 8 bài học họ lĩnh hội năm qua.
Xin chào các bạn trẻ nhà Khoai, vậy là một năm mới nữa lại đến. Chắc hẳn ai cũng có trải nghiệm chào năm cũ, đón năm mới của riêng mình ha!
Ngày 28/12 vừa rồi, CLB chiến lược gia Khoai tây đã rất vinh dự được tổ chức một bữa tiệc cuối năm đặc biệt, quy tụ dàn strategic planners thuộc nhiều thế hệ ở Việt Nam: Lessons from the Planners in 2021. Không có rượu cũng chẳng có bia, thế mà củ khoai nào tham gia bữa tiệc cũng phải ngất ngây vì những tâm tình, kinh nghiệm “thật mà chất” đến từ các planners đáng yêu.
Vì vậy, hơi khác biệt một chút, thực đơn chính cho phần khoai đầu năm này sẽ viết về những gì nhà Khoai đúc rút được từ “hội nghị bàn tròn” của giới strategic planner!
Lời đầu tiên, chúng mình xin gửi lời cảm ơn sâu sắc và chân thành nhất tới những anh chị, bạn bè đã dành thời gian quý báu tham gia vào bữa tiệc, bao gồm:
Anh Hồ Công Hoài Phương - Planner (Head) & Co-founder @The Partners
Anh San Vũ - Chief Strategy Officer @Publicis Groupe
Anh Cường Nguyễn - Senior Planner @Saatchi & Saatchi
Chị Sophia Nguyễn - Head of Strategic Planning @TSP Digital Performance
Anh Quang Khải - Junior Planner @Hakuhodo
Anh Tiến Long - Strategic Planning Manager
Anh Sang Vĩnh - Branch Director @Tonkin Media
Chị Thanh Phạm - Strategic Planner @Leo Burnett
Anh Lâm Trần - Strategy Director @ MullenLowe Mishra và Admin CLB Củ khoai tây
Không để bạn khoai đợi lâu, cùng chúng mình điểm lại những chia sẻ đáng chú ý của buổi webinar ngay bây giờ nha!
Hãy “sống” nhiều hơn!
Tất cả chúng ta đều đang sống. Thế nhưng “sống” đối với 1 Planner sẽ có gì khác biệt? Liệu có phải là chuỗi ngày nghiên cứu và đắm mình vào những chiến lược, kế hoạch thiệt là lớn lao?
Ừ thì... cũng đúng phần nào đấy, nhưng đó không phải là tất cả cuộc sống của một Planner. Muốn làm chiến lược giỏi thì phải “chơi” hay. Quá trình sáng tạo muốn thành công thì phải được xây dựng dựa trên chất liệu đời sống, thông qua những trải nghiệm đời thường. Chỉ khi thấu hiểu được cuộc sống của chính mình, chúng ta mới nhìn thấu được người khác phải không nào? Lời khuyên này trùng hợp thay đã được đưa ra tới tận 2 lần bởi anh Cường Nguyễn và chị Thanh Phạm và cũng đã được rất nhiều anh chị khác vô cùng đồng tình đấy!
“Without an ad, there is no strategy”
Câu nói này được trích từ phần chia sẻ của anh Cường Nguyễn khi nói về vai trò thực sự của 1 người Planner trong Agency.
Strategy tuy quan trọng nhưng suy cho cùng cũng chỉ là một phương thức để đạt được mục đích marketing. Thứ cuối cùng người tiêu dùng nhìn thấy được chính là sản phẩm của Creative Team. Đó là lí do mà một Strategic Planner không chỉ cần làm việc sát sao với client (Brand Strategist) mà còn phải cùng Creative mài giũa ý tưởng sáng tạo (Ads Tweaker) để những chiến lược đã đưa ra được thực thi đúng như kỳ vọng.
Vậy làm thế nào để có thể tạo được sự đồng thuận giữa các phòng ban, để cho họ thực sự “hiểu” chiến lược của chúng ta? Mời bạn khoai xem tiếp ngay sau đây.
Relearn: Short, sharp, easy to understand
Đó là lời khuyên rất thú vị đến từ chị Sophia Nguyễn.
Chúng ta dù ở trình độ nào, là “lính mới” hay những “lão đại” trong ngành thì đều cần dành thời gian để “học lại”, kiểm chứng lại kiến thức nền tảng của bản thân, học từ mọi người xung quanh ta. Chỉ khi nắm vững cốt lõi thì mới có thể thực sự tự tin và không bị lung lay.
Nhưng chỉ mình ta hiểu là chưa đủ. Mỗi phòng ban, đối tượng sẽ có hiểu biết, góc nhìn rất khác nhau về một vấn đề. Planner phải tìm cách để diễn giải những điều ta biết theo cách súc tích, dễ hiểu nhất, sao cho mọi người đều có thể nắm được điểm cốt lõi.
Giá trị của những đối tác “Sáng tạo có bạn, bán ý tưởng có phường”
Khi nói đến thành tựu lớn nhất của một người làm Planner, anh Hồ Công Hoài Phương cho rằng đó là “tìm được những đối tác lâu dài”.
Sau 10, 20 hay 30 năm làm nghề, điều quý giá nhất với một Planner là tìm cho mình một cộng sự giúp mình thăng hoa trong công việc và một mối quan hệ bền chặt với khách hàng (bởi lẽ bán ý tưởng không khó, bán cho ai mới là điều quan trọng).
Chắc hẳn các bạn khoai đây đã bắt gặp vô số những chiếc meme mà trong đó Client nghiễm nhiên phải vào vai evil luôn đối đầu với angel Agency ha? Thật ra, mối quan hệ Client - Agency thiêng liêng và ý nghĩa hơn nhiều bạn nghĩ đó. Qua từng dự án, Client sẽ chính là người đi cùng Planner, giúp họ có được góc nhìn lớn hơn và sâu hơn về ngành hàng và khách hàng mục tiêu. Thay vì coi nhau như... kẻ thù, đó là mối quan hệ đồng đội cùng chiến tuyến!
Vậy thì, điều chúng ta cần làm chính là “Thấu hiểu hơn!” - theo lời khuyên của anh Sang Vĩnh. Mỗi yêu cầu, quyết định mà Client đưa ra có thể đang đi theo một tầm nhìn, một chiến lược rộng lớn mà đôi khi người Planner chưa chắc đã hiểu rõ. Đấy là lí do mà chúng ta luôn cần dành thời gian trò chuyện với họ để hiểu lí do, câu chuyện đằng sau đó.
Dành riêng cho những bạn Junior hay Planner-to-be
Nếu bạn cảm thấy những lời khuyên ở trên hơi xa xôi vì... mình nào đã có nhiều kinh nghiệm thế đâu, thì anh Quang Khải, hiện tại cũng đang là Junior Planner tại Hakuhodo đã chia sẻ 3 bài học đắt giá dành tặng cho những bạn trẻ đang theo đuổi con đường planning như sau:
Thứ nhất, những bạn trẻ mới đi làm thường sẽ phải nhận được những đề bài khá khó để “crack”. Điều các bạn cần là hãy luôn giữ cho mình mindset “There is always a way”. Cứ nỗ lực hết mình đi, bạn sẽ tìm ra một cái gì đó, sai cũng không sao, vì đó là đặc quyền của junior mà! ^^
Thứ hai, “Begin with the clarity”. Khi bắt đầu công việc, hãy đảm bảo mình đã hiểu rõ nhiệm vụ, vai trò của bản thân trong chuỗi công việc đó. Không biết thì cứ hỏi, hỏi nhiều cũng được nhưng hãy cố gắng hỏi thật rõ ràng nhất có thể.
Cuối cùng, “Recognizing great work and ask for why constantly”. Hãy xác định rằng ở giai đoạn đầu, phần lớn những ý tưởng của chúng ta sẽ khó mà được sử dụng. Thế nhưng hãy cố gắng phấn đấu vì những điều tốt nhất, học hỏi từ những “great work” của các tiền bối để xem ý tưởng của mình đang bị thiếu sót ở điểm nào, có điểm nào có thể làm tốt hơn nữa, v.v. qua đó cải thiện bản thân theo hướng tốt hơn.
Oversimplify or Over-analyze?
Anh Tiến Long Jack chia sẻ, một strategy nếu bị đơn giản hóa quá mức sẽ dễ mắc phải chiếc “bẫy” dẫn đến những thông điệp nông, dở, không được minh chứng bởi dữ liệu thực tế. Thế nhưng, nếu một strategy được đi vào tiểu tiết quá nhiều, phụ thuộc vào quá nhiều data để tạo phần storytelling dẫn dắt thì nhiều khi sẽ trở nên rất nhàm chán, không có sự linh hoạt nhất định. Việc của planner sẽ là phải cân bằng, không để cho mình bị lún sâu quá vào những biases này. Bên cạnh đó, anh cũng gợi ý một mô hình rất bổ ích mang tên Cognitive Bias Codex - nói về những lối mòn của tư duy trước các vấn đề của công việc hay cuộc sống. Một điều thú vị là anh Long đã in nó ra ở ngay tấm lót chuột để nhắc nhở bản thân không phải sai lầm. Bạn khoai có điều gì muốn in ở lót chuột không? ^^
Anh San Vũ
Trong phần chia sẻ của mình, anh San Vũ đã kể ra rất nhiều lợi ích khi làm Planner. Nhà khoai xin được liệt kê lại “Ba Cái Được” sau đây:
Được đại diện cho “lương tâm của agency”
“Lương tâm” ở đây được hiểu là giá trị thực, mang lại lợi ích cho Brand. Một Planner chân chính sẽ cố gắng tìm hiểu mong muốn thực sự của những con người đứng đằng sau thương hiệu là gì, giá trị thực nằm ở đâu, sẽ luôn hy vọng chiến lược của mình đóng góp vào sự tăng trưởng thực sự của thương hiệu. Vì thế, nói “làm Planner là được đại diện cho lương tâm của agency” cũng không phải nói quá chút nào!
“Được băn khoăn, được cảm thấy không ổn, được phạm sai lầm và có người chỉ ra sai lầm đó giúp mình.”
Dưới sức ép của công việc, của khách hàng và lớn hơn là của thị trường, nhiều người (nếu như không muốn nói là mỗi người) từ Creative Team, đến Planning, Account đều có những giai đoạn bất định, hoài nghi bản thân. Chúng ta tự hỏi: không biết insight này có đúng không, chiến lược này có đủ tốt chưa, có phải mình đang... đi lùi không? Anh San cho rằng, đó là những cảm xúc rất dễ gặp, và người làm planning tốt là người luôn biết tự đánh giá, soi chiếu chính mình. Làm vậy tưởng chừng như đang “nuông chiều” những suy nghĩ xấu xí của bản thân, nhưng thực chất đó lại là chất xúc tác mạnh mẽ giúp chúng ta trưởng thành và chỉn chu hơn trong những việc mình đang làm. Điều quan trọng chính là dám thừa nhận tất cả những cảm xúc đó, dám nhận sai, dám sửa chữa, phấn đấu từng ngày.
“Được tiếp tục làm planning.”
Một trong những điều mà anh San Vũ cảm thấy biết ơn khi làm planner, đơn giản là được tiếp tục làm planning. Được làm planning có nghĩa là được học tập không ngừng. Được làm planning nghĩa là có cơ hội để mài dũa bản thân ở lợi thế cạnh tranh planning (của riêng anh), chứ không phải ở Finance hay Client Service. Anh San nhắn nhủ, các bạn trẻ khi đã dành thời gian (10.000 giờ, 10 năm hay 15 năm) để trau dồi 1 skillset nào đó thì nên tiếp tục đào sâu, phát triển nó. Hãy trở thành bậc thầy của 1 lĩnh vực, thay vì phụ thuộc vào những kỹ năng khác nhau! “Một nghề cho chín còn hơn chín nghề!”
Cuối cùng, chúng mình xin được kết lại phần recap bằng một câu trích dẫn từ vị trí anh San Vũ: “The problem with the world is that the intelligent people are full of doubts, while the stupid ones are full of confidence.” Chúng ta là những củ khoai ngập tràn hoài nghi với thế giới, thậm chí là với chính mình. Nhưng điều đó không có gì sai trái, bởi vì “keep doubting and asking why” chính là chìa khóa để tìm ra giải pháp tốt nhất trong mọi vấn đề, cũng như hoàn thiện bản thân từng ngày.
Lời kết
Bạn khoai cảm thấy năm 2021 của mình thế nào, đạt được nhiều thành tựu hay vẫn còn nhiều tiếc nuối? Dù là cảm xúc nào, chúng mình vẫn tin rằng 2021 là một năm đáng nhớ với những trải nghiệm, bài học đáng quý. CLB khoai cũng hy vọng, phần recap trên đây đã giúp bạn tìm được niềm cảm hứng, lên lại dây cót để tự tin bước vào một năm mới thật rực rỡ.
Bước sang năm 2022, CLB khoai tây chúc các bạn sức khỏe, hạnh phúc. Mong bạn khoai luôn vững vàng sống hết mình với những lựa chọn của bản thân, và đặc biệt là luôn “THINK HARDER” cùng chúng mình nhé!
Chúc một 2022 với những điều tốt đẹp nhất! HAPPY NEW YEAR!!!